KHỦNG HOẢNG ĐỨC TIN 

Thưa Hồng Y, chưa bao giờ trên thế giới người ta tìm về niềm tin Ki-tô giáo nhiều như vậy. Trong vòng 50 năm qua, số người công giáo đã tăng lên gấp đôi, trên một tỉ tín hữu. Nhưng trong nhiều nước thuộc vùng gọi là cựu thế giới, ta tiếp tục chứng kiến tiến trình tục hoá. Xem ra một phần lớn xã hội trong các quốc gia Âu châu hoàn toàn muốn chia tay với gia sản tinh thần mình. Những kẻ chống lại đức tin chửi Ki-tô giáo là „vô phúc“, và tìm cách thoát ra khỏi nó. Trong cuốn „Muối Cho Đời“ trước đây, chúng ta đã bàn kĩ vấn đề này rồi. Nhiều người sẵn sàng nhắm mắt đi theo trào lưu chống Đạo và chống Giáo Hội này. Lí do thường là vì con người đã đánh mất nội dung và dấu chỉ của đức tin. Ta không còn hiểu ý nghĩa của những gì trong đạo nữa. Giáo Hội chẳng còn gì để nói nữa sao?

Hẳn chúng ta đang sống trong một không gian lịch sử, trong đó cơn cám dỗ gạt bỏ Thiên Chúa đã trở nên rất mạnh. Văn minh kĩ thuật và mức sống phồn thịnh đưa ta tới khẳng định, là mọi chuyện có thể tự tay ta làm được. Khi nghĩ như vậy, đương nhiên ta hạn chế cuộc sống vào cái chúng ta có thể làm, có thể tạo ra, và có thể chứng minh được mà thôi. Như vậy, vấn đề Thiên Chúa chằng cần đặt ra nữa.

Nếu ta tổng quát hoá nhận định đó – lối nghĩ trên có sức quyến rũ rất mạnh, bởi vì việc nhìn lên Chúa quả thật đòi hỏi mình phải vươn lên một bình diện khác hơn, khả năng này xem ra trước đây dễ có hơn bây giờ -, thì rõ ràng ta chỉ còn có việc nói: Cái gì mà chúng tôi không làm được, thì cái đó cũng chẳng có. 

Hiện nay có khá nhiều nỗ lực xây dựng những nền đạo đức bất cần tới Thiên Chúa.

Đúng,  ý hướng của những nỗ lực trên là đi tìm cái gì xem ra tối ưu cho nhân loại. Mặt khác, người ta cũng có những nỗ lực tìm cách bào chế hạnh phúc, nghĩa là xem việc đáp ứng nhu cầu nội tâm của con người như một sản phẩm có thể chế biến. Hoặc bằng qua các loại hình tôn giáo xem ra chẳng cần đức tin, đó là các phong trào huyền bí (Esoterik), mà chung qui lại, thường không gì khác hơn là những kĩ thuật tạo hạnh phúc.

Tất cả những hình thức muốn giữ thế giới cân bằng và muốn tự giải quyết cuộc đời mình nói trên rất gần với lối sống và sinh hoạt của thời đại chúng ta hiện nay. Các lời dạy của Giáo Hội, trái lại, bị xem là cổ lỗ, người ta cho rằng chúng đúng cho xưa mà không còn đúng cho nay nữa, hoặc vì chúng xuất phát từ một lối sống khác, xem ra hoàn toàn xa lạ với lối sống hiện tại. Giáo Hội rõ ràng chưa nhảy được cả hai chân vào thời hiện tại. Một công tác lớn đang chờ chúng ta, là phải làm sao đổ đầy kinh nghiệm sống vào những lời dạy quan trọng, tuy cũ nhưng còn giá trị, một cách cho người ta dễ đón nhận. Trước mắt chúng ta còn khối công việc phải làm. 

Hình ảnh về Thiên Chúa mà phong trào huyền bí đang quảng bá càng ngày càng lìa xa hình ảnh Thiên Chúa trong đạo Ki-tô và Do-thái. Họ bảo, các giáo trưởng (Rabbi) và linh mục, thậm chí cả Kinh Thánh, không phải là nguồn sứ điệp của Chúa. Vì thế, tốt hơn, con người nên nghe theo cảm quan mình. Họ nên thoát ra khỏi những trói buộc cổ hủ của các tôn giáo và tránh xa giới linh mục đam mê quyền lực, để trở về với cái hạnh phúc và cái toàn diện, như chúng đã được trù định ngay từ ban đầu cho con người. Nhiều điều nghe ra thật đầy hứa hẹn.

Quan điểm đó đánh trúng vào nhu cầu hiện tại của ta về tôn giáo và cả vào nhu cầu của ta muốn đơn giản hoá mọi thứ. Vì thế, tự nó có sức toả sáng và hứa hẹn thành công. Nhưng ta cũng phải hỏi: Sứ điệp đó được ai hay cái gì hợp thức hoá? Phải chăng vì nó xem ra dễ hiểu và có lí đối với ta nên nó được hợp thức hoá?  Dễ hiểu và có lí phải chăng là tiêu chuẩn đủ để ta chấp nhận một sứ điệp về Thiên Chúa? Hay cái dễ hiểu, có lí đó có thể là một cám dỗ đang mơn trớn ta? Nó chỉ cho ta lối đi đơn giản thật đấy, nhưng cũng ngăn cản ta nhìn ra thực tại.

Cuối cùng thì, theo sứ điệp trên, cảm quan chính là thước đo để ta ấn định ai là Thiên Chúa và ta phải sống thế nào cho nên. Nhưng cảm quan luôn thay đổi, và như vậy chính ta sẽ sớm nhận ra rằng mình đang xây nhà trên cát. Thoạt tiên, nó xem ra quyến rũ thật,nhưng cái đó rốt cuộc cũng chỉ là những ý nghĩkhả nghi của con người.

Cơ bản đức tin của chúng ta thì lại khác. Ở đây, không phải ta gặp một cái gì do mình tự nghĩ ra, nhưng là đón nhận một cái gì lớn lao đang tới với ta, lớn hơn những thứ do con người có thể nghĩ ra. 

Khoan: Đó là chuyện Giáo Hội dạy!

Cái đó được chứng thực qua lịch sử, và lịch sử đã lớn lên từ đó. Cũng có thể nói là Thiên Chúa đã tự thể hiện đi thể hiện lại trong lịch sử, và Ngài vẫn tiếp tục thể hiện trong đó. Tôi nghĩ, trong tập sách này, rồi ta sẽ biết thêm nhiều điều liên quan tới điểm này.

Rốt cuộc thì những điều Chúa nói với ta hay những gì ta nghĩ về Ngài đều không đủ đối với ta. Mà chuyện quan trọng là Ngài đã làm gì cho ta, đó là điều ta cần và là cái nền để ta có thể xác lập cuộc đời trên đó. Ở đây, ta có thể nhận ra, là không những chỉ có lời viết về Chúa, mà còn có một thực tế về Ngài. Không những chỉ có điều do con người nghĩ ra, mà còn có một cái gì đã xẩy ra; xẩy ra trong nghĩa chữ một cuộc khổ hình. Thực tế đó lớn hơn mọi từ ngữ, cho dù nó khó hiểu hơn. 

Đối với nhiều người, việc coi một kẻ bị án tử ở Palestin khoảng năm 30 là người “được xức dầu“, „được Thiên Chúa chọn“, là „Ki-tô“, và bảo người đó là tâm điểm của toàn bộ lịch sử, không những đó là chuyện khó tin, mà còn là một khiêu khích quái gỡ.

Có hàng trăm nhà thần học ở Á châu bảo rằng, Thiên Chúa quá lớn và quá bao trùm, không thể chỉ hiện thân trong một cá nhân được. Và quả thực, nếu việc cứu độ toàn thế giới chỉ hướng vào một điểm duy nhất mà thôi, thì đức tin có vì thế mà bị bó hẹp đi không?

Kinh nghiệm tôn giáo ở Á châu, một đàng coi Thiên Chúa quá lớn lao, đàng khác cho rằng khả năng hiểu biết con người lại quá hữu hạn, nên Thiên Chúa, theo họ, chỉ có thể trình bày bằng muôn vàn hình ảnh phản chiếu mà thôi. Và như thế, Đức Ki-tô có thể là một khuôn mặt biểu trưng đặc biệt của Thiên Chúa, một nét phản chiếu của Ngài, chứ hoàn toàn không phải là toàn thể bộ mặt của Ngài.

Xem ra đó là thái độ khiêm tốn của con người đối với Thiên Chúa. Người ta đã không tưởng tượng được Thiên Chúa lại có thể đi vào một cá nhân. Và với khả năng suy tư của con người, chúng ta có lẽ chẳng trông mong gì hơn, ngoài việc chỉ có thể cảm nhận được Ngài như một tia sóng nào đó, hay chỉ thấy được một phần nhỏ nhoi nào đó bộ mặt của Ngài mà thôi.   

Nghe không phải là không có lí.

Vâng. Đúng lí ra ta phải nói Thiên Chúa quá lớn, không thể đi vào một con người nhỏ nhoi. Ngài quá lớn để không một tư tưởng hay ngôn từ nào có thể diễn tả được. Ta chỉ có thể thấy và hiểu Ngài qua những kinh nghiệm đa dạng và mâu thuẫn. Mặt khác, sự khiêm tốn sẽ trở thành kiêu ngạo, nếu như ta không cho phép Ngài được tự do và có quyền lực yêu thương để trở nên bé nhỏ.

Đức tin Ki-tô giáo mang lại cho ta an ủi, là Thiên Chúa rất lớn, nhưng lại có thể trở nên bé nhỏ. Và chính việc Ngài có thể trở nên bé nhỏ, có thể cúi mình xuống, đã thực sự đi vào một con người, đã mặc lấy xác phàm nhân – không phải mặc như mặc một chiếc áo rồi lại cởi ra – và đã trở nên chính con người đó, đối với tôi, lại là một chiều kích hoàn toàn không ngờ về sự lớn lao của Thiên Chúa. Chính qua điều đó ta mới thấy chiều kích vô biên thật sự của Ngài, bởi vì nó dữ dội hơn, ngoài sức tưởng tượng hơn, và đồng thời cứu độ hơn mọi thứ khác.

Trong trường hợp khác, có lẽ chúng ta cũng phải luôn sống với nhiều điều không phải sự thật. Những mảng mâu thuẫn hàm chứa trong Phật giáo và Ấn giáo quả đã khiến họ đề ra giải-pháp thần bí phủ định (negative Mystik). Mà như thế thì Thiên Chúa trở nên phủ định – và như vậy, rốt cuộc Ngài cũng chẳng có gì để nói cho thế giới này trong chiều hướng tích cực và xây dựng cả. Thiên Chúa độc nhất mà ta tin, trái lại, là đấng có quyền thực hiện tình yêu bằng cách đi vào một con người. Ngài trở nên hiện diện và tỏ mình ra cho ta biết, bằng cách nhận ta vào chung bàn với Ngài. Và chính đó là điều chúng ta cần, để ta không phải sống và kết thúc đời mình trong những mảnh vụn, trong những chân lí nửa vời.  Điều này không có nghĩa là ta không còn học được gì nơi các tôn giáo khác. Cũng chẳng có nghĩa là đức tin Ki-tô giáo đã được đóng khuôn hoàn tất, chẳng còn có thể phát triển thêm. Đức tin Ki-tô giáo là cuộc phiêu lưu luôn gặp cái mới. Và sở dĩ đức tin đó vô tận, chính là vì chúng ta công nhận Thiên Chúa này có những khả năng bất tận.

Trên nguyên tắc, đức tin luôn nằm sẵn trong mỗi con người?

Nhìn vào lịch sử nhân loại cho mãi tới tận thời nguyên sử xưa nhất, mà ta biết được qua việc đào bới mộ cổ, ta có thể xác định rằng, tư tưởng về một Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện nơi con người. Người mác-xít tiên đoán tôn giáo sẽ chết. Họ bảo, hết đàn áp, thì người ta cũng chẳng cần tới liều thuốc thượng đế nữa. Nhưng chính họ cũng đã phải hiểu rằng, tôn giáo chẳng bao giờ chết, bởi vì nó có mặt thật sự trong tâm mỗi người.

Nhưng bộ phận cảm ứng nội tâm dành cho Chúa trong ta không đương nhiên hoạt động như một cái máy kĩ thuật. Mà nó là một thứ gì sống động, hoặc là cùng lớn lên với con người, hay là bị tê chai đến độ có thể gần như chết khô. Nếu nội tâm ta luôn làm việc với bộ cảm ứng đó, nó càng ngày càng trở nên sắc bén, sống động và nhạy cảm hơn – bằng không, nó sẽ teo lại và như bị vùi chôn dưới ảnh hưởng của thuốc tê. Tuy vậy, dù không tin, con người thế nào cũng phải trăn trở với một câu hỏi còn lại: có lẽ phải có một cái gì chứ. Không có bộ cảm ứng thâm sâu đó, không thể hiểu được lịch sử con người.     

Mặt khác, có hàng núi sách và bao nhiêu lí thuyết vững chãi tìm cách phủ nhận cái đức tin đó. Xem ra như có một đức tin chống lại đức tin, và đức tin phản chứng đó lại được rao truyền mạnh mẽ. Những cuộc thí nghiệm con người lớn nhất trong lịch sử cho tới nay, như chủ nghĩa quốc-xã, chủ nghĩa cộng sản, đã coi việc tin vào Thiên Chúa là chuyện nhảm nhí, và họ cố lôi niềm tin đó ra khỏi lòng người. Và đó chẳng phải là những nỗ lực cuối cùng.

Đức tin vào Thiên Chúa không phải là một kiến thức, mà tôi có thể học được, như tôi học toán hay hoá học. Mà nó vẫn là đức tin. Nghĩa là đức tin có một cấu trúc luận lí, ta sẽ bàn chuyện này sau. Đức tin không đơn giản là một thứ gì mờ mờ ảo ảo, mà tôi chỉ việc cứ yên tâm thả mình vào đó. Đức tin mang tới cho tôi nhận thức. Và có đủ lí do phải lẽ để ta bám vào nó. Nhưng nó không bao giờ là một kiến thức thuần tuý. Bởi đức tin đòi hỏi toàn lực đời sống - ý chí, tình yêu, bước ra khỏi mình - nên nó luôn vươn lên trên cái kiến thức thuần tuý, trên cái chứng minh cần thiết. Mà cũng vì thế mà tôi cũng luôn có thể lìa xa nó, và xem ra có đủ lí do để chống lại nó.

Có đủ thứ lí do chống lại đức tin, như anh biết. Ta chỉ cần nhìn nỗi đau khổ ghê gớm trên thế giới. Chỉ riêng cảnh này cũng đủ để phản chứng Thiên Chúa. Hoặc xem sự bé mọn của Ngài. Với người có đức tin, thì đó chính là nét cao cả, nhưng với người không thể và không muốn tin, thì đó lại là lí do để chống Ngài. Người ta cũng có thể tháo gỡ cái toàn thể ra thành những tiểu tiết. Có thể gạt bỏ những đoạn những câu trong Kinh Thánh, trong Tân Ước để chỉ còn lại vài chỗ, và một học giả giờ đây có thể nói: phục sinh là chuyện người ta mới thêm thắt về sau này, mọi thứ đều là bịa đặt, hoàn toàn chẳng đáng tin.

Vâng, mọi chuyện đều có thể. Bởi vì lịch sử và đức tin đều là những thứ mang tính người. Do đó, cuộc cãi vã về đức tin chẳng bao giờ chấm dứt. Cuộc cãi vã đó cũng chính là cuộc vật lộn của con người với chính mình và với Thiên Chúa, nó sẽ kéo dài mãi tới tận hoàng hôn của lịch sử. 

Xã hội tân thời không tin có một chân lí duy nhất. Vì khăng khăng ôm giữ yêu sách chân lí nên Giáo Hội bị thử thách nặng. Chính ngài cũng có lần nói, cơn khủng hoảng Ki-tô giáo nặng nề ở Âu châu hiện nay chủ yếu là một khủng hoảng về yêu sách chân lí. Tại sao?

Tại vì chẳng còn ai dám nói những gì đức tin dạy là đúng. Người ta sợ như thế là mình thiếu khoan dung, thiếu khoan dung cả đối với các tôn giáo hoặc niềm tin khác. Còn những ki-tô hữu thì kháo với nhau, không biết yêu sách chân lí của mình có cao quá không. Lối nghĩ đó, một mặt, có tác dụng chữa lành. Bởi vì, nếu ta vội vàng và dễ dàng chấp nhận chân lí và yên chí dựa vào đó, ta sẽ không những có thể trở nên độc đoán, mà còn dễ dàng gán nhãn hiệu chân lí cho những cái thuộc thứ yếu hoặc tạm bợ.

Cẩn thận trong việc tuyên xưng chân lí là đúng. Nhưng không được vì thế mà bỏ luôn niềm tin đó. Vì nếu như thế, ta chỉ còn lần mò trong các khuôn mẫu truyền thống khác nhau mà thôi. 

Dù sao, biên cương không còn thật rõ nét nữa. Nhiều người mơ về một thứ tôn giáo tổng hợp, trong đó mỗi người có quyền thêm bớt gia vị cho hợp khẩu mình. Càng ngày càng có sự phân biệt giữa tôn giáo „xấu“ và tôn giáo „tốt“.

Ý niệm Tôn giáo, lạ thay, gần như đã bị thay thế bởi ý niệmTruyền thống – và ý niệm Chân lí cũng bị kéo theo khuynh hướng này. Mỗi tôn giáo được xem là một truyền thống. Các truyền thống đều „đáng trọng“, „đẹp“, và người ta nói, ai đứng trong truyền thống nào thì nên coi trọng truyền thống đó và nên trọng truyền thống kẻ khác. Nhưng, nếu chỉ còn lại các truyền thống mà thôi, thì chân lí đương nhiên sẽ mất. Và, tới một lúc nào đó, người ta sẽ tự hỏi, tại sao lại phải có truyền thống. Và như vậy, người ta sẽ có lí do chống lại truyền thống.

Tôi luôn nghĩ tới câu của Tertullian*: Đức Ki-tô không nói, tôi là thói quen, nhưng : tôi là sự thật. Nói thế, Ngài không kết án thói quen, nhưng trái lại, Ngài bước ra từ những thói quen. Ngài muốn một cuộc lên đường, Ngài yêu cầu ta đi tìm cái gì là thật, cái gì dẫn ta đi vào thực tại của đấng Sáng tạo, của đấng Cứu chuộc, của chính sự hiện hữu của ta. Như vậy, ta phải coi sự cẩn trọng trước yêu sách chân lí như là một nhiệm vụ lớn, nhưng đồng thời cũng can đảm không để mất chân lí, cố vươn mình tới nó và khiêm tốn nhận lãnh với lòng biết ơn, khi được Chúa trao tặng nó cho ta.